Kim Thư lên Tây Bắc học người dân tộc nấu xôi

Diễn viên Kim Thư lần đầu đến thăm Điện Biên, ngắm lúa nương, học người dân tộc Thái cách nấu xôi và làm thịt heo gác bếp.

Kim Thư học cách nấu xôi của người dân tộc Thái

Cảnh sắc bản làng Tây Bắc hiện lên trong vlog của Kim Thư

Hành trình “lên rừng xuống biển” của Kim Thư đã chạm tới Tây Bắc – nơi chị có thể tìm thấy nguồn nguyên liệu nấu xôi ngon nhất ở vùng đất nổi tiếng trồng lúa nếp. Cách đây 5 năm, khi khởi đầu việc kinh doanh với món xôi, chị tình cờ có duyên với người bạn ở Điện Biên và được anh hỗ trợ vận chuyển gạo vào TP HCM. Dịp này, Kim Thư đích thân ra Bắc với mong muốn tri ân người bạn phương xa, đồng thời thử nấu xôi bằng những hạt nếp mới gặt trên nương, trong căn bếp của người Thái.

Nhà của người bạn nằm trong bản nhỏ, được xây dựng khang trang nhưng vẫn giữ nếp cũ của người dân tộc Thái. Kim Thư xúng xính mặc trang phục truyền thống, băng qua những cánh đồng lúa chín, đến thăm cùng sự háo hức khi sắp được khám phá ẩm thực của người bản địa. À (tiếng gọi cô của người Thái Đen) ngoài 60 tuổi, vẫn thoăn thoắt tay sàng, tay sẩy trong lúc địu cháu nội. À hướng dẫn Kim Thư cách sàng nếp, đồ xôi bằng vốn tiếng Kinh chỉ đủ diễn đạt ý cơ bản.

Diễn viên Kim Thư mặc trang phục truyền thống của người Thái.

Diễn viên Kim Thư mặc trang phục truyền thống của người Thái.

Cách nấu xôi của người Thái có nét tương đồng với công thức mà Kim Thư áp dụng tại nhà hàng của chị. Trước khi lên bếp, gạo phải được ngâm ít nhất 5 tiếng để đảm bảo độ nở, mềm, dẻo. Sau thời gian ngâm, à vo sạch gạo với nhiều lần nước, đổ vào chõ. Nếu gạo ngon sẽ chỉ mất khoảng 15-20 là chín đều. Trong gian bếp của người Thái Đen, nữ diễn viên có dịp biết thêm món heo gác bếp. Ngày xưa, người dân tộc sống bằng nghề săn bắt, hái lượm. Treo gác bếp là cách họ bảo quản thịt thú rừng khi không có tủ lạnh. Khói từ bếp củi sẽ hong khô thịt, tạo cho chúng hương thơm, vị đậm đà rất đặc biệt. Sau đó, người bản địa nêm nếm gia vị, trong đó có hạt mắc khén để món ăn thêm hấp dẫn.

Người Thái thường gác bếp thịt trâu, bò nhưng Kim Thư thích thịt heo vì mềm và dễ tìm nguyên liệu. Phần thịt mông và thăn heo đảm bảo mềm, lẫn mỡ nên được chọn; ướp cùng gia vị trong khoảng một tiếng là có thể treo lên gác bếp chờ chín.

Kim Thư làm thịt heo gác bếp.

Kim Thư làm thịt heo gác bếp.

Chuyến đi Tây Bắc là trải nghiệm thú vị với diễn Kim Thư. Trước đó chị có mặt ở phi trường Tân Sơn Nhất lúc 5h để đáp chuyến bay sớm ra Hà Nội. Từ Nội Bài, chị tiếp tục di chuyển trong hai tiếng tới Điên Biên bằng máy bay cánh quạt cỡ nhỏ. Kim Thư đang ốm, tai chị ù đi mỗi lần cất và hạ cánh nhưng khi vừa tới vùng đất hoa ban trắng, ngắm thành phố nhỏ bé được núi bao bọc bốn phía, chị thấy lòng tràn đầy hứng khởi.

Thành phố Điện Biên Phủ có diện tích khá lớn nhưng vừa đi vừa hết thị trấn đã đến bản làng của người dân tộc. Đến đây, chị được khuyên nhất định ghé thăm chợ Mường Thanh, thử mua vài món nông sản, đặc biệt quả hay hạt mắc khén.

Kim Thư học cách nấu xôi của người dân tộc Thái

Kim Thư đi chợ Mường Thanh

Diễn viên Kim Thư ngừng hoạt động nghệ thuật cách đây gần 10 năm để chuyển hướng kinh doanh. Khi trở lại, chị chọn lối đi mới là xây dựng chuỗi video khám phá văn hóa ẩm thực thay vì đóng phim. Trên hành trình của mình, Kim Thư đi qua nhiều tỉnh miền Nam, miền Tây và mới đây, chị bắt đầu Bắc tiến. Nữ diễn viên hướng tới những trải nghiệm thực tế, phản ảnh đời sống ẩm thực vùng miền một cách gần gũi nhưng song song đó là nhiều khía cạnh mới lạ mà ít người biết được.

Lam Trà

Nguồn: Ngôi sao

Video hướng dẫn cách chế biến món ăn, xem tại đây

Xem thêm công thức chế biến các món ngon khác:

Đăng nhận xét

0 Nhận xét