Mâm cỗ 'hạnh phúc chồng chất' ngày đầu năm của người Nhật




Thứ năm, 2/1/2020, 16:17 (GMT+7)


Nhật BảnHơn 30 món xếp trong một tráp sơn đẹp, được thưởng thức vào dịp Tết với mong muốn một năm ấm no, viên mãn.




Osechi là tên gọi của mâm cỗ truyền thống vào dịp Tết ở Nhật Bản, có nguồn gốc từ thời Heian (794 – 1185). Thức ăn xếp ngay ngắn trong hộp jubako 3 – 4 tầng đẹp mắt, mỗi tầng chia làm nhiều ngăn như khay cơm bento, sau khi dùng thì rửa sạch, năm sau tái sử dụng. Mỗi món ăn đều mang ý nghĩa cầu phúc, chúc mọi người gặp may mắn, được thưởng thức dịp đầu năm.





Quỳnh Trần JP chia sẻ mân cỗ ngày Tết của người Nhật





“Food blogger” Quỳnh Trần JP giới thiệu mâm Osechi của gia đình ngày đầu năm mới. Video Quynh Tran JP





Ngày xưa, mâm Osechi chỉ có vài món đơn giản như nimono (rau luộc trong nước tương pha đường), cá biển nướng, rượu… Sau này, kinh tế phát triển thì các gia đình làm mâm Osechi phong phú hơn, với mong muốn một năm đủ đầy, viên mãn. Ngoài các món truyền thống, người Nhật còn có thực đơn Osechi món Âu (seiyo-osechi) hay Osechi món Trung Quốc (chukafu-osechi). Hộp jubako xếp chồng lên nhau còn mang ý nghĩa “hạnh phúc chồng hạnh phúc”. 



Tầng 1 gồm những món ăn mang ý nghĩa tốt lành như một lời chúc phúc đầu năm, dùng để nhắm rượu như chả cá luộc, khô cá mòi, đậu nành đen… Trong tiếng nhật, từ mame (đậu nành đen) phát âm giống “làm việc chăm chỉ và sức khỏe tốt”. 



Tầng 2 gồm những món ngọt như konbumaki (cá trích khô cuốn rong biển), datemaki (trứng tráng cuộn với tương cá hoặc tôm nghiền), tazukuri (khô cá mòi kho nước tương)… “konbu” là cách chơi chữ “hạnh phúc”, “date” là cách chơi chữ cho ý nguyện mong ước quần áo lộng lẫy. Còn khi viết bằng kanji (hán tự), tazukuri có nghĩa là “làm ruộng”, tượng trưng cho mong muốn được mùa.



Tầng 3 với tên gọi “hạnh phúc từ biển”, với nhiều món chế biến từ hải sản như tôm, cá…



Tầng 4 đại diện cho “hạnh phúc từ núi” với những món kho từ nguyên liệu rau củ như củ sen, nấm, cà rốt, rễ cây ngưu bàng…


Mâm cỗ hạnh phúc chồng chất ngày đầu năm của người Nhật



Mâm Osechi nhà Quỳnh Trần JP còn có thêm cua, sashimi cá nóc và sushi đủ loại.



Theo truyền thống, mâm Osechi do phụ nữ trong gia đình chuẩn bị trước đêm giao thừa. Tuy nhiên, đa phần các gia đình Nhật ngày nay đều đặt sẵn ngoài tiệm cho tiện, đồng thời là dịp các bà nội trợ nghỉ ngơi thoải mái vào 3 ngày đầu năm, không phải xuống bếp. Bên cạnh đó, nhiều người đùa rằng mâm cơm này đơn giản chỉ là giúp các gia đình có thể “sống sót” qua những ngày lễ, khi hầu hết các nhà hàng, chợ… đóng cửa nghỉ Tết.



Vi Yến



Nguồn: Ngôi sao



#Thựcđơnhằngngày

Video hướng dẫn cách chế biến món ăn, xem tại đây


Xem thêm công thức chế biến các món ngon khác:



Đăng nhận xét

0 Nhận xét