Phạm Hương nhầm cua tuyết và cua hoàng đế




Thứ tư, 19/2/2020, 00:28 (GMT+7)


Hoa hậu hướng dẫn làm món ‘cua tuyết’ nướng bơ tỏi nhưng lại giới thiệu là ‘king crab’ (cua hoàng đế) khiến người xem bối rối.




Phạm Hương đang “gây bão” cộng đồng mê ăn uống bởi một video hướng dẫn nấu ăn. Hoa hậu vào bếp trổ tài làm món cua sốt bơ tỏi thơm ngon, hấp dẫn với cách làm khá đơn giản. Nhưng điều mà người xem chú ý vào video không phải là cách thức chế biến mà chính tên gọi gây khó hiểu của món ăn này. Ngay từ đầu video, Phạm Hương đã giới thiệu đây là món “cua tuyết siêu thịt” do cô làm ngày Valentine cho nửa kia nhưng lại gọi tên món ăn bằng tiếng Anh là butter king crab. Trong khi king crab lại có tên gọi tiếng Việt là cua hoàng đế chứ không phải cua tuyết (snow crab).





Phạm Hương nhầm lẫn cua tuyết và cua hoàng đế





Phạm Hương hướng dẫn làm món king crab nướng bơ tỏi





Sự không thống nhất này đã gây ra nhiều tranh cãi trên các diễn đàn ẩm thực. Những người có kinh nghiệm nấu nướng nhận định, dựa vào hình dáng bên ngoài của nguyên liệu mà Phạm Hương chế biến thì đây chính là cua hoàng đế. Sự khác biệt rõ nhất có thể thấy ở phần chân cua. Cua hoàng đế có phần chân mập hơn cua tuyết, nhiều gai lớn, trong khi chân cua tuyết có hình dáng thon, dài.



Ngoài ra, bạn cũng có thể phân biệt bằng số lượng chân. Cua hoàng đế có 3 cặp chân và 2 càng lớn còn cua tuyết có 4 cặp chân và 2 chiếc càng. Phạm Hương đã tiến hành sơ chế cua từ trước nên người xem không thể xác định số lượng chân nhưng dựa vào hình dáng của càng và chân cua mà cô đã tiến hành tách vỏ thì đây nhiều khả năng là cua hoàng đế, không phải là cua tuyết như hoa hậu đã giới thiệu.



Không chỉ Phạm Hương mà khá nhiều bà nội trợ cũng mắc phải nhầm lẫn này. Ngoài hai cách kể trên, bạn cũng có thể phân biệt 2 loại cua này bằng cách quan sát hình dáng. Cua hoàng đế có phần mai (từ trên nhìn xuống) hình trái tim, phần đầu nhọn, hai bên thân nhô ra. Không chỉ chân mà phần mai cũng có nhiều gai lớn. Cua tuyết có phần chân và mai phẳng, gai nhỏ hoặc không có gai. Cua tuyết được xem là đặc sản của Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và vùng Alaska. Chúng có nhiều thịt, dễ tách hơn cua hoàng đế, dễ chế biến, có thể luộc, hấp hay nấu lẩu. 


Sự khác biệt giữa cua tuyết (snow crab) và cua hoàng đế (king crab)



Sự khác biệt giữa cua tuyết (snow crab) và cua hoàng đế (king crab).



Cua hoàng đế có kích thước lớn, có thể lên tới 5 kg/con nên nhiều thịt hơn. Cua hoàng đế sinh sống nhiều ở vùng biển băng giá Bering giữa vùng Viễn Đông của Nga và Alaska của Mỹ. Đây là vùng biển sóng dữ với những dòng hải lưu mạnh và băng đá, được coi là một trong những vùng biển đánh bắt hải sản nguy hiểm nhất thế giới. Những vùng biển này trong lành nên thịt cua tinh khiết, ngon hơn. Đây là loại cua hiếm, bởi để đánh bắt nó, những người thợ săn phải ra khơi vào những ngày bão biển. Giá cua hoàng đế rất cao, khoảng 1,5 triệu đồng/kg. Chúng có thể chế biến được nhiều món như luộc, hấp, rang me, nấu lẩu…



Phạm Hương hướng dẫn người xem cách làm món cua sốt bơ tỏi đơn giản: tách một phần vỏ cua, xắt khoảng 2 miếng bơ để lên trên, thêm bột tỏi và hạt tiêu, cho vào khuôn rồi nướng khoảng 220 độ C trong 10 phút là hoàn thành. Tuy nhiên, người xem cũng có nhiều góp ý thêm cho hoa hậu như: không nên để trực tiếp cua đã hấp vào bồn rửa vì kém vệ sinh hay không nên cho quá nhiều bơ, ảnh hưởng đến mùi vị món ăn.



Nguồn: Ngôi sao



#Thựcđơnhằngngày

Video hướng dẫn cách chế biến món ăn, xem tại đây


Xem thêm công thức chế biến các món ngon khác:



Đăng nhận xét

0 Nhận xét