Bữa sáng chỉn chu, đủ dinh dưỡng giúp bạn có cả ngày đầy năng lượng, nhất là trong thời điểm phải ở nhà dài ngày vì dịch bệnh.
Giãn cách xã hội khiến thói quen sinh hoạt của chúng ta đảo lộn ít nhiều. Một số người thức khuya, dậy trễ thường bỏ luôn bữa sáng hoặc ăn qua loa, dù đó là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Để những ngày làm việc tại nhà không bị trì trệ và kém năng suất, bạn nên dành thời gian chuẩn bị bữa sáng đủ chất dinh dưỡng.
Chia sẻ với báo chí, Diễm Phương (TP.HCM) cho biết gia đình chị ăn sáng khá cầu kỳ. “Mẹ chồng mình rất chú trọng chuyện ăn uống nên thường tự tay chuẩn bị bữa sáng cho gia đình 4 người. Dù trong thời gian giãn cách khó mua thực phẩm, mẹ mình vẫn duy trì nấu bữa sáng mỗi ngày, các món chỉn chu, thực đơn thay đổi liên tục”, chị Phương nói.
Mẹ chồng dậy từ 4h nấu bữa sáng cho cả nhà
Đều đặn hàng ngày, mẹ chồng chị Phương dậy từ 4-5h sáng dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bữa sáng tươm tất cho gia đình 4 người. Chị Phương thường dậy sớm để phụ mẹ chồng việc nấu nướng, nhưng vì thương con cháu nên bà hay gạt đi: “Các con cứ ngủ, dậy lo cho cháu bà ăn uống, rồi rửa chén, quét sân là được. Cơm nước cứ để má lo”.
“Mẹ mình thường đi chợ mua đồ dự trữ đủ ăn trong 2 tuần. Sáng định nấu gì bà sẽ chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế đồ ăn từ tối hôm trước để tiết kiệm thời gian buổi sáng”, chị Phương chia sẻ.
Trước dịch, mẹ chồng Phương xen kẽ các bữa tự chế biến hoặc mua đồ ăn sẵn nếu hôm đó không có thời gian nấu nướng. Từ ngày giãn cách xã hội, hàng quán đóng cửa, mọi bữa sáng của gia đình đều được chuẩn bị từ các nguyên liệu tươi.
Vì nguyên liệu dùng cho cả 3 bữa trong ngày, không chỉ riêng bữa sáng nên cần bảo quản cẩn thận. Bà mẹ một con cho biết các loại thịt tươi thường được trữ đông: “Thịt gà mình để nguyên con, sườn, thịt heo bỏ hộp riêng trữ đông. Tôm tươi chia nhiều phần nhỏ, cá sơ chế sạch và cũng chia nhỏ trữ đông”.
Các nguyên liệu được chia thành từng phần đủ ăn theo ngày. Rau củ quả loại nào ăn nhanh hỏng sẽ ưu tiên dùng trước, chị Phương nói.
Nàng dâu 9X chia sẻ mọi việc bếp núc ở nhà đều do một tay mẹ chồng quán xuyến tươm tất. “Từ ngày làm dâu, mình được thưởng thức món ngon mẹ chồng nấu mỗi ngày. Đi làm về là có canh cơm nóng hổi. Khi mình có em bé, mẹ càng tạo điều kiện hơn để 2 vợ chồng trẻ có thời gian chăm con nhỏ”, chị Phương bộc bạch.
Mỗi sáng ăn một món
Diễm Phương dành hẳn một album để lưu lại hình ảnh và công thức những món ngon do mẹ chồng làm. Bữa sáng của gia đình chị thay đổi liên tục từ món cơm, bún truyền thống đến các loại sandwich kiểu Âu.
Nàng dâu 9X chia sẻ một số công thức món ăn sáng hấp dẫn do mẹ chồng chế biến.
Xíu mại bánh mì
Đây là món ăn sáng quen thuộc, dễ chế biến, có thể làm sẵn số lượng lớn dùng cho nhiều bữa.
Các nguyên liệu làm xíu mại cần có củ sắn (củ đậu), hành tím, thịt ba rọi xay, tiêu, hạt nêm, nước mắm, vụn bánh mì.
Xíu mại được hấp chín sau đó sốt cà chua. Món này ăn kèm bánh mì nóng giòn.
Bánh Xèo Nhật (Okonomiyaki)
Món ăn này nghe có vẻ phức tạp nhưng thành phần đều là những nguyên liệu quen thuộc gồm: Bột mì, cà rốt, bẹ bắp cải, tôm, trứng gà. Phần cá ngừ bào hơi khó mua trong thời điểm giãn cách xã hội, bạn có thể không cần dùng đến.
Ngoài ra, các gia vị cần có gồm dầu hào, syrup thốt nốt, hạt nêm, nước lọc hoặc nước dùng dashi rau củ, sốt mayonannise.
Chị Phương chia sẻ do làm bánh cho cả em bé nên sử dụng bột mì hữu cơ, dầu hào hữu cơ và sốt mayonnaise.
Bánh canh bột gạo
Để món bánh canh hợp khẩu vị gia đình, mẹ chồng chị Phương đã tự tay nhào bột, cắt sợi, bảo quản và dùng trong nhiều lần.
Để nước dùng ngọt, thơm, giò heo và sườn cần được trụng với nước sôi có bỏ vài củ hành tím để khử mùi. Sườn và giò hầm trong 40 phút với 2,5 l nước. Ngoài ra, tôm và mực cũng là 2 nguyên liệu không thể thiếu của món bánh canh bột gạo.
Khi trộn bột làm bánh canh, cần bột gạo và bột mì. Trộn 2 loại bột, cho nước sôi vào nhồi bột. Nhồi bột không dính tay là được. Tiếp đến, vo viên tròn, cán mỏng bột, cắt sợi tuỳ thích. Đun sôi lại nồi nước dùng, cho sợi bánh canh vào luộc đến khi nổi lên mặt nước.
Bún bò xào hành tây
Món này cũng có cách chế biến không phức tạp, nguyên liệu dễ kiếm trong thời gian giãn cách. Tô bún bò xào mẹ chồng chị Phương làm gồm thịt bò, hành tây, dưa leo, rau thơm, giá, tỏi, gừng, gốc hành. Gia vị không thể thiếu hạt nêm, tiêu, dầu hào, nước tương, nước mắm, đường và đậu phộng.
Thịt bò được uớp với tỏi, gừng, tiêu, dầu hào, dầu ăn, nước tương, đường, nước mắm trong 15 phút. Khi xào thịt bò cần vặn lửa lớn, đảo nhanh tay để thịt nhanh chín, không bị dai và chảy nước. Phần bún đậm đà nhờ nước tương.
Theo công thức chị Phương chia sẻ, phần sốt trộn bún bò gồm đường, nước cốt tắc, nước tương và tỏi ớt băm.
Sandwich (Bánh mì kẹp)
Món này không cần chế biến nhiều, các nguyên liệu bán sẵn ở siêu thị. Món bánh mì kẹp của gia đình chị Phương gồm có sandwich, thịt nguội, giò thủ, trứng ốp la. Món ăn kèm có dưa leo, cà chua, hành, ngò, ớt, muối tiêu và tương ớt. Món ăn hấp dẫn hơn khi bánh mì được nướng giòn khoảng 5 phút.
Theo Zingnews
Nguồn: Sưu tầm
Video hướng dẫn cách chế biến món ăn, xem tại đâyXem thêm công thức chế biến các món ngon khác:
- Cách làm các món Chay ngon
- Cách làm các loại bánh ngon
- Cách chế biến các món cơm ngon
- Cách chế biến các món xôi ngon
- Cách chế biến các món cháo ngon
- Cách nấu các loại phở ngon
- Cách chế biến các món bún ngon
- Cách chế biến các món ngon từ mì sợi, miến
- Cách nấu các món canh, hầm ngon
- Cách làm món súp ngon
- Cách chế biến các món xào ngon
- Cách chế biến các món kho ngon
- Cách chế biến các món nướng ngon
- Cách chế biến các món om ngon
- Cách chế biến các món rán, chiên, quay ngon
- Cách chế biến các món sốt ngon
- Cách chế biến các món hấp, luộc ngon
- Cách chế biến các món cuốn ngon
- Cách chế biến các món gỏi ngon
- Cách chế biến các món lẩu ngon
- Cách chế biến các món nem, chả ngon
- Cách chế biến các món ngâm, muối ngon
- Cách chế biến các món salad ngon
- Cách chế biến các món chè ngon
- Cách chế biến các món kem
- Cách chế biến các món mứt ngon
- Cách chế biến các món sinh tố, thức uống ngon
0 Nhận xét