Những điểm khác biệt trong lễ cúng Táo quân ở 3 miền Bắc-Trung-Nam



Cùng đều có tục thờ cúng Táo quân vào ngày 23 tháng chạp âm lịch nhưng tại 3 miền Bắc-Trung-Nam, người dân lại có những quan niệm, thủ tục riêng.


Cúng ông Công ông Táo về trời ở miền Bắc


Người miền Bắc thường cúng ông Công ông Táo từ khá sớm, các gia đình phần lớn đều chuẩn bị mâm cỗ làm lễ từ khoảng 20 tháng Chạp và muộn nhất là vào trưa ngày 23. Sở dĩ không nhiều nơi làm lễ cúng sau khoảng thời gian này là vì có quan niệm rằng kể từ 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, các Táo phải về thiên đình làm lễ chầu với Ngọc Hoàng nên không còn ở dương gian để nhận lễ được.


Những điểm khác biệt trong lễ cúng Táo quân ở 3 miền Bắc-Trung-Nam - Ảnh 1

Cúng cá chép cho ông Công ông Táo cưỡi là đặc trưng văn hoá khác biệt nhất của miền Bắc. Ảnh: TTXVN


Những điểm khác biệt trong lễ cúng Táo quân ở 3 miền Bắc-Trung-Nam - Ảnh 2

Mâm cỗ cúng của người miền Bắc cũng cầu kì nhất.


Nét đặc trưng văn hoá khác biệt nhất của miền Bắc đối với 2 miền còn lại là đại đa số các gia đình thường dùng 3 con cá chép để làm đồ cúng lễ. Cá chép ở đây có thể là cá chép sống (thả phóng sinh sau khi cúng), cũng có thể là cá chép giấy (đốt sau khi làm lễ), tùy theo từng gia đình mà có điểm khác biệt.


Tục này có ý nghĩa cá chép hoá rồng, làm phương tiện đưa các Táo trở về thiên đình. Bên cạnh đó, việc phóng sinh cá chép vào ngày này còn thể hiện tấm lòng nhân hậu, đức độ và thiện lương của gia chủ.


Mâm cỗ cúng Táo quân ở miền Bắc cầu kì nhất trong 3 miền với các món ăn truyền thống như: Xôi, gà, giò chả, canh măng, nem… Đặc biệt, trong mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ở nhiều nơi vùng Bắc Bộ thường sẽ có thêm món ngọt xôi chè.


Việc dọn bàn thờ cũng được thực hiện ngay trong ngày 23 tháng Chạp hoặc vài ngày sau đó, miễn là trước lễ Giao thừa.


Lễ tiễn Táo quân tại miền Trung


Tục cúng ông Công ông Táo của người miền Trung thường được cho là cầu kỳ nhất trong 3 miền. Không cúng áo mũ vàng mã cho các Táo như miền Bắc, người miền Trung thường dâng lên một con ngựa bằng giấy, có yên cương đầy đủ, đốt vàng mã và dâng cúng nhiều lễ vật.


Những điểm khác biệt trong lễ cúng Táo quân ở 3 miền Bắc-Trung-Nam - Ảnh 3

Tượng Táo quân ở miền Trung.


Những điểm khác biệt trong lễ cúng Táo quân ở 3 miền Bắc-Trung-Nam - Ảnh 4

Không cúng cá chép, người dân miền Trung cúng ngựa giấy cho Táo quân cưỡi về trời.


Người miền Trung thường làm lễ tiễn Táo quân rất trọng thể. Việc đầu tiên là phải thay cát mới trong bát hương và lau dọn bàn thờ ông Táo sạch sẽ. Sau khi cúng xong, gia chủ sẽ tiến hành tiễn tượng 3 Táo quân cũ bằng đất nung khỏi bàn thờ và đưa tới các am miếu ở đầu xóm hoặc ở dưới các gốc cây cổ thụ ngã ba đường. Tiếp đến là rước tượng 3 Táo quân mới đặt lại lên bàn thờ để bắt đầu năm mới.


Mâm cơm cúng của người miền Trung cũng có nét giống với mâm cơm cúng miền Bắc gồm: Cơm, canh, thịt luộc, gà luộc, chả ram (nem), xôi chè…


Người dân Huế còn có tục dựng cây nêu trước sân nhà hay sân đình trong sáng 23. Lễ cúng chiều 30 Tết, họ lại rước thần về và sáng mồng 1 Tết an vị ông Táo mới.


Miền Nam cúng ông Táo vào buổi tối


Mâm cúng ông Táo của miền Nam được cho là đơn giản nhất trong 3 miền. Mâm lễ tuỳ điều kiện nhưng không thể thiếu những chén chè trôi nước, đĩa kẹo được làm từ mè đen và đậu phộng, nhang đèn, 3 chung nước nhỏ và đặc biệt là bộ “cò bay, ngựa chạy”.


Những điểm khác biệt trong lễ cúng Táo quân ở 3 miền Bắc-Trung-Nam - Ảnh 5

Mâm cỗ cúng Táo quân của người miền Nam đơn giản nhất và được thực hiện vào buổi tối.


“Cò bay, ngựa chạy” là hình con cò và con ngựa cắt bằng giấy, không có khung tre cầu kỳ như miền Bắc. Tết Táo quân ở miền Nam không có tục tự bốc bát hương, không mua cá chép thả trong chậu rồi thả sông, không hóa vàng áo mũ thờ, vì không thờ áo mũ. Một số nơi còn nấu thêm chè xôi hoặc nếu không thì chỉ là mâm hoa quả đơn giản.


Theo phong tục của người miền Nam xưa thì có nhiều điều khác biệt so với cách cúng ngày nay. Các gia đình thường cúng Táo quân vào buổi đêm, trong khoảng thời gian từ 20-23h ngày 23 tháng Chạp. Bởi quan niệm rằng, lễ cúng ông Táo chỉ được thực hiện vào cuối ngày, khi cả gia đình đã dùng xong bữa tối, không phải dùng đến bếp núc để nấu nướng nhằm tránh làm phiền đến các Táo thì nghi lễ tiễn Táo về chầu trời mới có hiệu quả.


Minh Khôi (T/h)



Nguồn: Đời sống & Pháp luật



#Thựcđơnhằngngày

Video hướng dẫn cách chế biến món ăn, xem tại đây


Xem thêm công thức chế biến các món ngon khác:



Đăng nhận xét

0 Nhận xét