Vì sao đầu bếp ít mang găng tay khi nấu nướng




Thứ ba, 14/1/2020, 00:26 (GMT+7)


Dù có nhiều lo ngại về vệ sinh, nhiều đầu bếp vẫn thích dùng tay khi nấu nướng vì có thể làm ra những món ăn ngon hơn.




Theo quy định của hầu hết các cơ quan y tế và kiểm dịch trên thế giới, những đầu bếp và người bán hàng đều cần phải đeo găng tay khi chế biến lẫn phục vụ đồ ăn cho khách. Việc này giúp ngăn ngừa nhiều căn bệnh lây từ người này qua người khác thông qua bàn tay trần của đầu bếp.



Ngoài ra, các đầu bếp cũng được khuyến cáo nên đeo găng tay để chống vi khuẩn E.Coli gây ra các bệnh nguy hiểm về đường ruột. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều đầu bếp, ngay cả đầu bếp của các nhà hàng nổi tiếng cũng thường xuyên dùng tay không để nấu ăn. Thậm chí, nhiều người còn cho biết, họ cảm thấy khó chịu khi sử dụng vật dụng này và chúng còn có thể gây tác hại ngược lại cho sức khỏe.


Vì sao đầu bếp ít mang găng tay khi nấu nướng



Găng tay cũng giống như thớt, được sử dụng rất nhiều trong nhà bếp với cả đồ ăn sống và đồ ăn chín. Theo nguyên tắc, tốt nhất là với mỗi loại nguyên liệu, bạn đều phải sử dụng các loại găng khác nhau. Trước hết là để mùi vị món này không lẫn sang món kia. Sau đó là để tránh việc vi khuẩn từ những món sống như cá, thịt tươi, hải sản sống theo găng tay, lẫn sang với những món đồ ăn chín đã sẵn sàng đưa tới bàn ăn.



Tuy nhiên, công việc trong bếp thường quá tải và ít được kiểm tra nên ít đầu bếp tuân thủ theo đúng điều này. Nghĩa là việc một đầu bếp đeo một chiếc găng vừa sơ chế cá, thái thịt, sau đó lại động vào đồ ăn đã chín, trang trí đĩa là hoàn toàn có thể xảy ra. Hệ quả là có thể khiến thực khách nhiễm một số bệnh đường ruột, đi ngược lại mục đích chống vi khuẩn ban đầu của găng tay.



Do đó, găng tay vẫn rất cần thiết trong nhà bếp nhưng tuyệt đối phải thực hiện đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh. Mỗi khi dùng xong, bạn cần rửa sạch găng, chà sạch những mẩu thức ăn dính trên găng để chúng không trở thành ổ dịch bệnh.


Vì sao đầu bếp ít mang găng tay khi nấu nướng - 1



Ở khía cạnh khác, nhiều đầu bếp chuyên nghiệp cho rằng, việc dùng găng tay không quá cần thiết. Họ vẫn có thể chế biến thức ăn bằng tay sau khi đã rửa tay thật sạch bằng dung dịch chuyên nghiệp. Việc đeo găng tay còn khiến hứng thú nấu ăn giảm xuống do không được trực tiếp chạm vào nguyên liệu. Họ không cảm nhận được chính xác về mỗi thành phần và không thể có thao tác chính xác với một đôi găng cồng kềnh, vướng víu.



Với một số món ăn đặc biệt như sushi, người đầu bếp còn được yêu cầu bắt buộc phải dùng tay không để chế biến chứ không được dùng găng. Bởi sushi coi trọng nhất là độ tươi ngon của nguyên liệu. Chỉ có đầu ngón tay và bàn tay của đầu bếp tài giỏi mới có thể đánh giá, cảm nhận chính xác tỷ lệ hàm lượng chất béo, lượng nước, độ dày của thớ cơ… Ngoài ra, chế biến sushi có những kỹ năng rất đặc biệt như lột da cá, fillet, lọc xương, ướp gia vị… đòi hỏi độ chính xác và tỉ mỉ mà khi dùng găng khó lòng đạt được. Với món cơm trộn dấm, lòng bàn tay mềm, dùng lực có tính toán, cẩn thận mới có thể cảm nhận được độ dính, tỷ lệ cơm hài hòa.



Nổi tiếng về sự sạch sẽ và vệ sinh, trước khi làm sushi, người đầu bếp phải thực hiện quá trình rửa tay rất cẩn thận với 11 bước để đảm bảo bàn tay vệ sinh nhất có thể.





Đầu bếp Yosuke Imada biểu diễn làm sushi





Đầu bếp Yosuke Imada (Tokyo, Nhật) dùng tay không làm sushi





Nguồn: Ngôi sao



#Thựcđơnhằngngày

Video hướng dẫn cách chế biến món ăn, xem tại đây


Xem thêm công thức chế biến các món ngon khác:



Đăng nhận xét

0 Nhận xét